1. Cá hồi
Cá hồi giàu axit béo omega-3, protein, carb bằng 0. Vì không chứa carb nên cá hồi có tải lượng đường huyết (GL) là 0, không làm tăng đột biến đường huyết sau ăn. Cá hồi cũng rất giàu vitamin D lành mạnh, vì thiếu loại vitamin này có liên quan đến mắc bệnh tiểu đường type 2. Axit béo omega-3 trong cá hồi và các loại cá béo khác có thể cải thiện sức khỏe của tim, tốt cho người bệnh tiểu đường vì bệnh này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
2. Bột yến mạch
Bột yến mạch có chứa beta-glucan, một loại chất xơ hòa tan có lợi cho tim. Beta-glucan trong bột yến mạch có thể cải thiện khả năng kiểm soát đường trong máu và tăng cảm giác no.
Bột yến mạch chứa một loại carb phức hợp, được cơ thể tiêu hóa chậm hơn và cung cấp lượng đường ổn định hơn vào máu. Tuy nhiên, yến mạch chứa carb nhiều nên người bệnh cần ăn với khẩu phần hợp lý, chọn loại nguyên hạt hoặc bột nguyên chất không chứa đường.
3. Hạnh nhân
Hạnh nhân chứa nhiều chất xơ làm chậm tốc độ hấp thụ đường nên có thể cải thiện lượng đường trong máu. Hạnh nhân có GL thấp là 1,9, thích hợp cho người bệnh tiểu đường. Thêm các loại hạt vào chế độ ăn uống, người tiểu đường có thể giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL) bởi các loại hạt rất giàu chất béo không bão hòa. Người bệnh nên ăn với lượng vừa phải, tránh các loại hạt đóng gói có thêm đường và muối để không làm tăng calo và carb ảnh hưởng đến đường huyết.
4. Cam
Cam là nguồn cung cấp pectin dồi dào, chất xơ hòa tan làm giảm mức cholesterol xấu. Cam cũng có chỉ số đường huyết (GI) và có GL ở mức thấp là 4, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, cam cũng chứa carb nên bạn ăn với khẩu phần phù hợp. Chọn ăn quả cam tươi thay vì nước ép để có nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào, giảm ảnh hưởng đến đường huyết.
5. Đậu
Đậu giàu chất xơ hòa tan, có chỉ số đường huyết và GL thấp (bằng 7) giúp ngăn ngừa tăng đột biến lượng đường trong máu. Ăn nhiều chất xơ, ruột mất nhiều thời gian hơn để phân hủy, làm chậm sự hấp thu đường. Các loại đậu (đậu đen, đậu xanh...) giàu protein thực vật có thể thay thế cho thịt, rất tốt cho chế độ ăn bệnh tiểu đường.
6. Cải xoăn
Cải xoăn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu gồm vitamin (A, C, E, K), khoáng chất (sắt, canxi, kali), ít calo và carb, tải lượng đường là một. Người bệnh tiểu đường không lo tăng đường huyết khi ăn cải xoăn. Cải xoăn còn chứa chất cô lập axit mật có thể làm giảm cholesterol xấu.