1. Tăng sắc tố da là như thế nào?
Tăng sắc tố da là một thuật ngữ dùng để mô tả sự biến đổi màu sắc da đậm màu hơn so với bình thường.
Tăng sắc tố da có nguy hiểm không? Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, mặc dù tăng sắc tố da thường không nguy hiểm nhưng đây có thể là triệu chứng của một tình trạng bệnh khác. Cho nên, cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng về các loại tăng sắc tố, nguyên nhân cũng như cách điều trị.
2. Các loại tăng sắc tố da
Tăng sắc tố da có nhiều dạng, trong đó chúng ta hay nghe nói đến nhiều nhất là nám, đốm nâu và tăng sắc tố sau viêm.
- Nám: Tình trạng nám được cho là do thay đổi nội tiết tố và có thể phát triển trong thai kỳ. Các khu vực tăng sắc tố có thể xuất hiện trên bất kỳ vị trí nào của cơ thể, nhưng phổ biến nhất ở mặt.
- Đốm nâu: Tình trạng này còn được gọi là tàn nhang, đồi mồi. Tình trạng này có liên quan đến hoạt động phơi nắng quá mức và diễn ra trong thời gian dài. Nói chung, chúng xuất hiện dưới dạng các đốm ở các khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Tăng sắc tố sau viêm: Đây là kết quả của chấn thương hoặc viêm da, thường gặp sau mụn trứng cá.
3. Triệu chứng của tăng sắc tố da và một số yếu tố nguy cơ
Các vùng tối xuất hiện trên da là triệu chứng chính của tình trạng tăng sắc tố, có thể khác nhau về kích thước và ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Các yếu tố nguy cơ gây tăng sắc tố nói chung là ánh nắng và tình trạng viêm da. Hai yếu tố này đều có thể làm tăng sản xuất sắc tố melanin. Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời càng nhiều thì nguy cơ tăng sắc tố lại càng cao.
Một số yếu tố góp phần làm tăng sắc tố như: nội tiết tố, thuốc, mỹ phẩm, di truyền.
4. Nguyên nhân gây ra tăng sắc tố
Nguyên nhân gây ra tình trạng tăng sắc tố da là sự tăng sản xuất melanin. Melanin là một sắc tố tạo nên màu sắc của da, được sản xuất bởi các tế bào hắc tố gọi là melanocytes. Một số điều kiện hoặc yếu tố khác nhau có thể làm thay đổi việc sản xuất melanin trong da gây ra hiện tượng rối loạn sắc tố.
- Một số loại thuốc có thể gây tăng sắc tố hoặc tăng nhạy cảm da khi tiếp xúc ánh nắng như: thuốc hóa trị, kháng sinh.
- Mang thai làm thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể và đây cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng đến việc sản xuất melanin ở phụ nữ.
- Một bệnh nội tiết hiếm gặp chẳng hạn như bệnh Addison: Bệnh này có thể tạo ra sự tăng sắc tố rõ ràng nhất ở các khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, như mặt, cổ và tay; hay các khu vực có sự ma sát nhiều, như khuỷu tay và đầu gối.
5. Chẩn đoán và điều trị tăng sắc tố da
Để chẩn đoán nguyên nhân tăng sắc tố da, bác sĩ da liễu sẽ hỏi về tiền sử và bệnh sử của tình trạng tăng sắc tố, đồng thời bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện để xác định nguyên nhân rõ ràng hơn. Trong trường hợp, không tìm thấy nguyên nhân và triệu chứng điển hình, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp sinh thiết da để giới hạn được nguyên nhân gây bệnh, giúp cho quá trình chẩn đoán có kết quả chính xác hơn.
Điều trị tăng sắc tố cần phối hợp nhiều phương pháp để mang lại hiệu quả cao nhất:
- Thuốc thoa
- Chống nắng
- Điều chỉnh nội tiết tố
- Laser, ánh sang
- Thuốc uống
- Peel da
6. Biện pháp ngăn ngừa tăng sắc tố da
Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa tăng sắc tố da. Tuy nhiên, có thể sử dụng một số biện pháp để có thể giúp giảm yếu tố nguy cơ làm tăng sắc tố:
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30, mỗi ngày, kể cả những ngày trời âm u
- Đội mũ và mặc quần áo dài để cản ánh sáng mặt trời: dùng quần áo có chất liệu chống nắng, tối màu khi ra nắng
- Tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời vào những thời điểm có cường độ tia UV mạnh trong ngày, thường từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều
- Tránh một số loại thuốc có thể là nguy cơ tăng sắc tố
- Không sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Tùy dạng tăng sắc tố, sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Nếu bạn đang bị tăng sắc tố, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa da liễu để có phương pháp điều trị thích hợp nhất giúp làn da khỏe đẹp, đều màu.