1. Mụn nội tiết sau sinh là gì?
Mụn nội tiết sau sinh được hình thành do sự thay đổi đột ngột hàm lượng của các hormon trong cơ thể người phụ nữ trước và sau khi mang thai.
Sự mất cân bằng nội tiết tố của cơ thể là nguyên nhân kích thích tuyến bã nhờn tiết nhiều dầu trên da. Dầu và bã nhờn dư thừa trên da gây tắc lỗ chân lông là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển bám trên da gây ra mụn.
Mụn nội tiết sau sinh có thể là mụn đầu đen, mụn cám, mụn mủ, mụn bọc,... và thường xuất hiện nhiều ở vùng trán, 2 bên má, vùng cằm và vùng dưới xương quai hàm với biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau,... gây đau nhức và khó chịu.
2. Các phương pháp trị mụn nội tiết sau sinh
1. Trị mụn nội tiết sau sinh bằng cách chăm sóc da bên ngoài
Để trị mụn nội tiết sau sinh, cách tốt nhất là cần duy trì thói quen chăm sóc da mỗi ngày. Chăm sóc da mụn nội tiết sau sinh tập trung vào các bước gồm: Làm sạch da, dưỡng ẩm và chống nắng cho da.
Ngoài ra, bạn nên tẩy da chết mỗi tuần từ 1 - 2 lần để loại bỏ các tế bào chết làm tắc lỗ chân lông, giữ cho lỗ chân lông được sạch sẽ, khô thoáng và giảm mụn hiệu quả hơn.
2. Cách trị mụn nội tiết sau sinh từ bên trong
Để trị mụn nội tiết sau sinh, bạn cần có chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt khoa học. Muốn có làn da khỏe và trị mụn từ sâu bên trong, bạn cần:
- Nên uống nhiều nước.
- Nên ăn nhiều loại trái cây giàu vitamin, rau xanh, các thực phẩm giàu dinh dưỡng, bổ sung thêm chất béo và protein từ các loại hạt, bơ,...
- Bạn nên tránh ăn các món ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn đông lạnh, đồ ăn cay nóng, đồ chiên rán, đồ ngọt chứa nhiều đường,... vì sẽ là nguyên nhân gây nổi mụn nhiều hơn.
- Thường xuyên duy trì thói quen vận động, tập thể dục hoặc tập yoga hàng ngày từ 20 - 30 phút sẽ giúp cơ thể thoải mái, dẻo dai, khỏe mạnh và hỗ trợ cân bằng nội tiết tố của cơ thể.
- Bạn nên giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, mệt mỏi vì có thể làm rối loạn nội tiết tố nặng hơn và dễ nổi mụn hơn.
3. Cách trị mụn nội tiết sau sinh bằng các sản phẩm tự nhiên
- Cách trị mụn bằng giấm táo: Bạn trộn giấm táo với nước tinh khiết theo tỷ lệ 1:3 để tạo ra nước hoa hồng giàu enzym tự nhiên và axit alpha hydroxy. Sau đó, bạn nhúng miếng bông gòn vào hỗn hợp này và thoa lên da để hút dầu.
- Trị mụn sau sinh bằng trái cây họ cam, quýt: Bạn có thể vắt nước chanh và dùng bông gòn thoa trực tiếp lên nốt mụn trong 10 phút, sau đó rửa sạch bằng nước. Chanh có tính kháng khuẩn và se khít sẽ loại bỏ các tế bào chết và làm thông thoáng lỗ chân lông.
- Sử dụng nghệ để trị mụn nội tiết sau sinh: Bạn nên nghiền nhuyễn nghệ tươi và thu lấy nước cốt nguyên chất, sau đó dùng tay vỗ nhẹ lên bề mặt da để cho hỗn hợp thấm sâu. Sau đó để thư giãn trong thời gian từ 15 - 20 phút rồi rửa sạch với nước. Sử dụng nghệ để trị mụn nội tiết sau khi sinh, nếu kiên trì bạn sẽ thấy mụn giảm rõ rệt và làn da sẽ trở nên hồng hào, rạng rỡ hơn.
- Trị mụn sau sinh bằng cách sử dụng mật ong: Do mật ong có tính kháng khuẩn, khử trùng và giúp làm dịu da nên bạn có thể dùng mật ong để trị mụn nội tiết. Bạn nên rửa sạch da bằng nước ấm, sau đó bôi mật ong lên vùng da bị mụn và để trên da từ 20 - 30 phút rồi rửa sạch bằng nước.
- Sử dụng dầu dừa: Bạn có thể thoa dầu dừa nguyên chất lên da để trị mụn nội tiết do dầu dừa có tính kháng khuẩn và kháng nấm.
- Trị mụn nội tiết sau sinh khi ở cữ bằng sữa mẹ: Nhờ có axit lauric, sữa mẹ có khả năng kháng khuẩn và hỗ trợ loại bỏ mụn nội tiết. Bạn có thể dùng sữa mẹ thoa lên mặt, để trong khoảng 10 phút rồi rửa sạch bằng nước.
4. Trị mụn nội tiết sau sinh bằng cách sử dụng thuốc
Nếu đang cho con bú mà xuất hiện mụn nội tiết, bạn có thể sử dụng những loại thuốc có chứa các chất kháng khuẩn, chống viêm, giúp tẩy tế bào chết và làm thông thoáng lỗ chân lông như: benzoyl peroxide, axit salicylic hoặc thuốc kháng sinh.
Trong thời gian cho con bú, bạn nên sử dụng thuốc bôi ngoài da nhưng nên tránh bôi thuốc khi nổi mụn ở ngực.
5. Những kinh nghiệm trị mụn nội tiết sau sinh
Để trị mụn nội tiết sau sinh, các mẹ nên duy trì những thói quen chăm sóc da như sau:
- Uống nhiều nước.
- Cần rửa mặt sạch sẽ và tẩy trang trước khi đi ngủ.
- Không nên chạm tay vào da mặt.
- Bạn nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da mà trong thành phần không chứa dầu để không làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Tắm giặt, vệ sinh sạch sẽ sau khi tập thể dục và thực hiện các hoạt động mạnh.
- Rửa mặt với xà phòng 2 lần mỗi ngày và tẩy tế bào chết từ 1 - 2 lần mỗi tuần.
- Bạn nên duy trì chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng với các loại trái cây và rau củ, thực phẩm giàu protein và chất béo tốt, tránh dùng nhiều đường và các thực phẩm chế biến sẵn.
- Bạn nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng, sử dụng kem chống nắng mỗi khi ra ngoài và gội đầu thường xuyên,...
- Thói quen ăn uống có thể gây ảnh hưởng đến tình trạng mụn và gây nổi mụn sau sinh. Do đó, bạn cần chú ý mỗi khi ăn thực phẩm béo, thực phẩm có nguồn gốc từ sữa hoặc những loại thực phẩm có tính axit. Trường hợp sau khi sử dụng mà tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên tránh sử dụng những loại thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày.
3. Những lưu ý khi trị mụn nội tiết sau sinh
- Không nên rửa mặt quá nhiều lần vì sẽ làm cho da mất đi độ ẩm tự nhiên, tăng sản xuất dầu.
- Không nên gãi hay nặn mụn vì có thể gây kích ứng da và để lại sẹo.
- Không nên rửa mặt bằng nước quá nóng vì có thể khiến da bị khô. Bạn nên rửa với các sản phẩm tẩy rửa dịu nhẹ và nước lạnh hoặc nước ấm vào buổi sáng, tối và sau khi hoạt động làm đổ mồ hôi nhiều.
- Bạn nên dùng tay hoặc khăn mềm làm sạch da theo chuyển động tròn, không nên kỳ cọ da mặt quá mạnh.
Mụn nội tiết sau sinh có thể khiến bạn thấy mất tự tin và khó chịu. Do đó, bạn cần cẩn thận khi điều trị và lựa chọn những biện pháp an toàn để trị mụn nội tiết sau sinh. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc để điều trị mà cần được tư vấn bởi bác sĩ để đảm bảo an toàn và điều trị hiệu quả.