1. Nội tiết tố nữ là gì?
Trong cơ thể người có 1 hệ thống nội tiết giúp tiết ra các hormone điều chỉnh sự chuyển hóa và các chức năng sinh lý của cơ thể. Khi ở trạng thái cân bằng, các hormone sẽ giúp cho hoạt động trao đổi chất diễn ra hiệu quả, tuy nhiên nếu vì lý do nào đó mà sự cân bằng bị phá vỡ thì sẽ dẫn đến rối loạn nội tiết gây ra một số biểu hiện lâm sàng tương ứng.
Nhìn chung, rối loạn nội tiết tố nữ là khi nồng độ hormone Estrogen thấp hơn hoặc cao hơn mức thông thường (50-400pg/mL). Nếu nồng độ Estrogen duy trì dưới 100 pg/mL trong thời gian dài thì được xem là rối loạn nội tiết.
2. Nhận biết rối loạn nội tiết tố
Một số dấu hiệu nhận biết rối loạn nội tiết tố có thể kể đến như:
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt: Chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng là biểu hiện phản ánh hoạt động của nội tiết tố nữ. Nếu chu kỳ kinh nguyệt đang đều bỗng tự nhiên kéo dài hoặc ngắn lại thì chính là dấu hiệu cho thấy rối loạn nội tiết tố nữ.
- Nám da, nổi mụn: nguyên nhân chính gây tình trạng nám da, sạm da, nổi mụn bất thường là do mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.
- Giảm ham muốn tình dục: Ham muốn, nhu cầu tình dục ở phụ nữ là do hormone Estrogen và progesteron mang lại. Nếu hàm lượng các hormone này bị thay đổi, gây rối loạn thì sẽ dẫn đến giảm ham muốn tình dục ở phụ nữ.
- Thay đổi cân nặng: đa phần phụ nữ bị rối loạn nội tiết tố thường dễ tăng cân do việc thiếu hoặc dư thừa 1 số loại hormone dẫn tới tình trạng tích tụ mỡ và phá vỡ các khối cơ
- Giấc ngủ bị ảnh hưởng: nồng độ Progesterone ở mức thấp khiến cơ thể không duy trì được giấc ngủ ổn định, dễ gây stress, khó chịu.
- Ảnh hưởng tâm lý: Nồng độ hormone Estrogen và Cortisol xuống quá thấp cũng sẽ gây mất tập trung, suy giảm trí nhớ. Hàm lượng Estrogen thấp cũng ảnh hưởng tới quá trình sản sinh Serotonin - loại hormone ảnh hưởng tới cảm xúc, tâm lý của phụ nữ. Thiếu serotonin, chị em sẽ có thể có cảm giác mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, stress mà không rõ nguyên nhân...
3. Nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố
Nguyên nhân rối loạn nội tiết tố nữ thường khởi nguồn sự mất cân bằng giữa 2 hormone Estrogen và Progesterone trong cơ thể phụ nữ. Sự mất cân bằng này xảy ra có thể do các yếu tố sau:
1. Tuổi tác
Rối loạn nội tiết tố nữ thường xảy ra ở tuổi trung niên hoặc những phụ nữ đã lập gia đình. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ ngoài 30 tuổi sẽ có nồng độ Estrogen tăng trong khi Progesterone lại giảm. Sự mất cân bằng giữa 2 hormone nội tiết quan trọng này gây ra những biểu hiện của rối loạn nội tiết tố nữ.
Ngoài ra, tình trạng rối loạn nội tiết ở lứa tuổi dậy thì cũng khá phổ biến. Khi bắt đầu có kinh nguyệt, cơ thể các thiếu nữ sẽ dần sản sinh Estrogen giúp thúc đẩy hình thành các đặc tính sinh dục nữ. Tuy nhiên lượng hormone này tiết ra không ổn định, kết hợp với thay đổi tâm lý lứa tuổi có thể dẫn đến rối loạn nội tiết tố ở tuổi dậy thì.
2. Dùng thuốc tránh thai
Nhiều phụ nữ lựa chọn thuốc tránh thai như biện pháp bảo vệ để ngăn ngừa có thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên do thuốc tránh thai có thành phần chính là Estrogen tổng hợp nên nếu dùng thuốc trong thời gian dài sẽ làm tăng nồng độ này hơn hẳn Progesterone, dẫn đến rối loạn nội tiết tố.
3. Môi trường sống ô nhiễm, độc hại
Cơ thể phụ nữ dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường sống ô nhiễm, độc hại. Việc sống trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất, các sản phẩm độc hại sẽ gây suy giảm nội tiết tố nữ, do quá thừa hoặc thiếu Estrogen.
4. Dùng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng sai cách
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được quảng cáo sẽ làm đẹp, đem lại vẻ ngoài trẻ trung cho phụ nữ. Tuy nhiên việc lựa chọn sản phẩm uy tín, cách sử dụng cần được trao đổi trước với bác sĩ chuyên khoa để tránh trường hợp gây rối loạn nội tiết.
5. Yếu tố tâm lý
Nếu cuộc sống quá nhiều stress, căng thẳng kéo dài sẽ khiến hormone Progesterone giảm mạnh, tăng Estrogen khiến hoạt động của tuyến thượng thận bị ảnh hưởng. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn nội tiết, nếu nặng hơn có thể gây rối loạn tuyến yên, buồng trứng và trục não bộ.
6. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đến việc cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Phụ nữ cần tránh những thói quen ăn uống mất cân bằng như:
- Tiêu thụ thực phẩm ăn sẵn, đóng hộp, đồ ngọt, đồ cay nóng, dầu mỡ cũng có thể làm tăng lượng Estrogen trong cơ thể, nặng nhất có thể gây hội chứng buồng trứng đa nang.
- Nếu ăn kiêng quá mức, ăn quá ít, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể sẽ gây suy giảm nội tiết tố nữ Estrogen, suy dinh dưỡng.
7. Ảnh hưởng của thai kỳ
Thai kỳ là quá trình quan trọng đối với bất kỳ người phụ nữ nào, bởi đây là giai đoạn cơ thể phụ nữ trải qua nhiều sự thay đổi nhất, đặc biệt là sự thay đổi hormone:
- Rối loạn nội tiết tố nữ khi mang thai: Khi mang thai, hormone Estrogen tăng cao nhất trước khi sinh và có xu hướng giảm dần sau đó. Tuy nhiên ở một số người, nồng độ estrogen lại bị thiếu hụt. Rối loạn nội tiết thời kì này có thể gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi nên cần được kiểm tra và đánh giá thường xuyên.
- Rối loạn nội tiết sau sinh: Sau khi sinh, hormone Estrogen sẽ giảm đột ngột nhường chỗ cho hormone bài tiết sữa - Prolactin phát triển. Do vậy phụ nữ thường gặp tình trạng mất kinh nguyệt tạm thời, chỉ khi ngừng cho con bú (thường là sau 6 tháng) mới bắt đầu có kinh trở lại.
- Rối loạn nội tiết tố sau nạo hút thai: Nạo hút thai là hoạt động gây rối loạn nội tiết tố nữ biểu hiện qua việc mất kinh nguyệt tạm thời (khoảng 4-8 tuần), sau khoảng thời gian này khi nồng độ nội tiết cân bằng trở lại, phụ nữ sẽ lại có kinh bình thường.
8. Các bệnh lý khác
Một trong những bệnh lý khiến nồng độ Estrogen tăng cao là suy gan. Khi gan bị suy yếu sẽ giảm hoạt động đào thải Estrogen ra khỏi cơ thể, dẫn đến Estrogen ứ đọng, tăng cao gây rối loạn nội tiết tố nữ.