1. Cấu trúc tuyến mồ hôi dưới da
Tuyến mồ hôi có cấu trúc hình ống cuộn lại, rất quan trọng để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của con người. Có 2 loại tuyến mồ hôi khác nhau, bao gồm eccrine và apocrine. Trong đó:
- Tuyến eccrine xuất hiện hầu hết ở cơ thể và mở trực tiếp trên bề mặt da.
- Tuyến apocrine tiết ra chất nhờn có chứa lipid, protein và steroid qua các ống lông tại khu vực da đầu, nách, bẹn. Tuyến apocrine thường xuất hiện phản ứng với các kích thích cảm xúc, bao gồm lo lắng và sợ hãi, ví dụ như đổ mồ hôi ở lòng bàn tay, bàn chân và nách.
Mồ hôi là 1 dung dịch điện giải loãng bao gồm 99% nước, natri clorua, kali, bicarbonat, canxi, magie, lactat, amoniac và urê. Các tuyến mồ hôi bao gồm 1 cấu trúc tiết acinar cuộn lại ở lớp hạ bì và ống dẫn thẳng kết nối cấu trúc acinar này với bề mặt của biểu bì.
2. Chức năng của tuyến mồ hôi dưới da
Chức năng chính của tuyến mồ hôi là giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức khoảng 37°C. Để duy trì thân nhiệt, cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi trong môi trường nóng hoặc khi hoạt động thể chất. Khi nước trong mồ hôi bay hơi, bề mặt da sẽ nguội đi.
Quá trình tiết mồ hôi được điều khiển bởi hệ thống thần kinh trung ương. Các tế bào thần kinh nhiệt ở não có thể phát hiện nhiệt độ cơ thể bên trong và ngoài, hướng dẫn các tuyến mồ hôi phản ứng phù hợp để duy trì nhiệt độ cơ thể không đổi.
Khi phát hiện sự gia tăng nhiệt độ, mồ hôi được tiết ra để làm mát da và nhiệt độ bên trong cơ thể. Vì vậy, tuyến mồ hôi rất cần thiết trong việc giữ cho nhiệt độ cơ thể luôn ổn định.
Nếu nhiệt độ cơ thể chúng ta lên cao hơn 40°C, có thể dẫn đến biến tính protein và apoptosis. Về mặt thể chất, nó sẽ dẫn đến tăng thân nhiệt, thường được gọi là say nóng, thậm chí có thể gây tử vong.
3. Một số bệnh lý liên quan đến tuyến mồ hôi
Đổ mồ hôi được coi là bình thường khi sống trong môi trường có nhiệt độ cao, chẳng hạn như vào mùa hè, vận động cơ thể, tập thể dục, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, ăn thức ăn cay hoặc nóng, bị sốt cao. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp, tuyến mồ hôi có thể gây ra các tình trạng bệnh lý như:
- Loạn tuyến mồ hôi
Loạn tuyến mồ hôi là tình trạng cơ thể đổ nhiều hoặc giảm cũng như không tiết mồ hôi. Tình trạng này có thể khiến bệnh nhân bị chứng thiếu nước hoặc anhidrosis, dẫn đến mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt và khó thở.
- Tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis)
Ra mồ hôi quá nhiều được gọi là chứng tăng tiết mồ hôi. Tăng tiết mồ hôi vô căn là dạng phổ biến nhất. Gọi là vô căn vì không tìm ra nguyên nhân gây bệnh, nó có thể phát triển lúc còn nhỏ hoặc về sau này trong cuộc sống.
Người bị chứng bệnh này có thể đổ nhiều mồ hôi ngay cả khi thời tiết mát mẻ, nhưng nó sẽ trở nên tồi tệ hơn khi thời tiết ấm áp và căng thẳng về cảm xúc. Có nhiều nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi như béo phì, thay đổi nội tiết tố, cường giáp, tiểu đường hoặc đang sử dụng 1 số loại thuốc.
Việc điều trị tăng tiết mồ hôi còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, ví dụ những người béo phì thì cần giảm cân hợp lý. Một số trường hợp cần dùng thuốc bôi ngoài da (chất chống mồ hôi với 10–25% muối nhôm, thuốc kháng cholinergic) hoặc sử dụng liệu pháp thay thế hormone, phẫu thuật các dây thần kinh kiểm soát tuyến mồ hôi dưới da.
Đặc biệt, để tránh tình trạng tăng tiết mồ hôi nghiêm trọng hơn, người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi, sử dụng các sản phẩm có tác dụng ngăn mồ hôi.
- Giảm tiết mồ hôi (hypohidrosis)
Giảm tiết mồ hôi khi cơ thể tiết ra rất ít hoặc thậm chí không xuất hiện dù nhiệt độ môi trường cao, vận động mạnh... Nguyên nhân gây giảm tiết mồ hôi có thể xảy ra vì 1 số lý do như rối loạn da, bị bỏng làm tổn thương tuyến mồ hôi, suy giáp, cơ thể mất nước hoặc do nắng nóng quá mức kéo dài.
Tuyến mồ hôi dưới da có vai trò quan trọng trong việc duy trì nhiệt độ cơ thể. Việc tăng hay giảm tiết mồ hôi có thể gây ra các vấn đề về kiểm soát nhiệt độ, đe dọa tính mạng của người bệnh. Vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường của tuyến mồ hôi, bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị thích hợp.